Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Sài Gòn chi 21 triệu nuôi cá, trồng rau ở ban công của một gia đình

Giá thể trồng cây là sỏi đất sét giúp lọc nguồn nước tưới trả lại cho bể cá. Nhờ vậy, nước có thể tái sử dụng và chỉ cần bổ sung khi bốc hơi.
Sống trên tầng 7 khu chung cư quận 7 (TP HCM), chị Minh Ngọc vẫn quyết định đầu tư một hệ thống trồng rau, nuôi cá quy củ ở ban công rộng 12 m2.
Gia đình lựa chọn hình thức Aquaponic không dùng đất, không phân bón, không cần chăm bón nhiều nhưng vẫn có rau xanh hàng ngày và thỉnh thoảng lại thu hoạch được một mẻ cá.
Hệ Aquaponic gồm bể cá, chậu cây, hệ thống bơm để lưu thông nước (tưới cây tự động), bơm khí để cung cấp oxy cho cá, bộ lọc để phân giải thức ăn thừa, chất thải của cá thành chất hữu cơ nuôi cây. Chủ nhà có thể mua thêm bộ hẹn giờ cho máy bơm, thiết bị cho cá ăn.
Với hình thức nuôi trồng này, nước giàu Amoniac (phân cá, thức ăn thừa) từ hồ cá qua hệ thống lọc thành Nitrate, chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Nguồn nước này sẽ được cung cấp cho cây. Rễ sẽ hấp thụ Nitrate, nước được lọc qua lớp sỏi, trả lại cho bể cá. Quy trình lặp lại tạo nên một hệ sản xuất lương thực khép kín.
Để giảm bớt tác hại của nắng gắt, mưa lớn, gia đình làm thêm phần mái che dạng lưới.
Hiện chủ nhà trồng các loại rau phổ biến như rau muống, cải ngọt, mồng tơi, bầu bí, hành lá... đều lên xanh tốt.
Theo anh Trần Bình Duy, Giám đốc một công ty về dịch vụ lắp đặt hệ thống Aquaponic ở Sài Gòn, chi phí cho 6 chậu rau và một bể cá 700 lít, giàn leo, mái che, máy bơm, máy sục oxy, vật tư thi công là 21 triệu.
Sau khi lắp đặt, chủ nhà sẽ chi thêm khoảng 100.000-200.000 đồng mỗi tháng để mua giống rau, cá con, thức ăn cho cá.

Đầu tư ban đầu cao nhưng hình thức trồng rau kết hợp nuôi cá đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thích hợp với các nơi thiếu nước, nắng nóng. Ngoài ra, các chủ nhà không cần tốn nhiều thời gian, không đòi hỏi phải có nhiều kiến thức về trồng trọt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét